Sáng ngày 31/03/2025, Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với Tổ chức UNESCO Việt Nam đồng tổ chức cuộc họp Hội đồng nghiệm thu tài liệu “Sổ tay hướng dẫn và 10 module đào tạo giáo viên về giáo dục cảm xúc và xã hội cho trẻ mầm non”. Mục đích của cuộc họp nhằm đánh giá về tính khoa học, tính hiệu quả và sự phù hợp của bộ tài liệu sau khi dịch và thích ứng trong bối cảnh của Việt Nam, hỗ trợ công tác đào tạo giáo viên mầm non của Việt Nam hiện nay, giúp giáo viên quản trị cảm xúc tốt, điều chỉnh cảm xúc và phát triển tính tích cực của bản thân trong công việc hàng ngày nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, phù hợp Chương trình Giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đây là hoạt động đánh dấu sự hợp tác giữa Trường Đại học Giáo dục với Tổ chức UNESCO Việt Nam nhằm đẩy mạnh và phát triển giáo dục mầm non trong bối cảnh đổi mới và chuyển đổi số.
Hình ảnh: Hội đồng nghiệm thu bộ tài liệu
Cuộc họp có đầy đủ thành phần Hội đồng bao gồm: TS. Chu Thị Hồng Nhung – Phó trưởng Khoa Giáo dục sớm và Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục với vai trò Chủ tịch Hội đồng, TS. Cao Thị Hồng Nhung – Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo và TS. Đào Thị My – Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Thủ đô với vai trò phản biện. Ngoài ra, tham dự cuộc họp còn có bà Phan Thị Mùi – Đại diện của UNESCO Việt Nam và TS. Nguyễn Hồng Kiên – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng, trường Đại học Giáo dục, cùng các thành viên hội đồng khác.
Phát biểu khai mạc buổi họp, TS. Nguyễn Hồng Kiên nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ tài liệu và đánh giá cao sự hợp tác tích cực giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện dịch và thích ứng.
Hình ảnh: TS. Nguyễn Hồng Kiên – Giám đốc Trung tâm HT ĐT& BD phát biểu khai mạc cuộc họp
TS. Chu Thị Hồng Nhung – Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nhóm dịch thích ứng bộ tài liệu tiếp nhận các ý kiến góp ý của Hội đồng, thực hiện các sửa đổi đáp ứng mục tiêu của Sổ tay cần ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ hiểu, dễ áp dụng thực hành và báo cáo nội dung sửa đổi với đơn vị tài trợ là Tổ chức UNESCO Việt Nam.
Hình ảnh: TS. Chu Thị Hồng Nhung – Chủ tịch Hội đồng
Bà Phan Thị Mùi, đại diện Tổ chức UNESCO Việt Nam cho rằng dịch và thích ứng là giai đoạn quan trọng nhất của bộ tài liệu và mong muốn sau khi hoàn thành, bộ tài liệu sẽ được giới thiệu rộng rãi đến các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Hình ảnh: Bà Phan Thị Mùi – Đại diện Tổ chức UNESCO Việt Nam
Nhận xét về bộ tài liệu, Các chuyên gia phản biện đánh giá đây là một bộ tài liệu được dịch công phu và phù hợp với công tác đào tạo giáo viên mầm non hiện nay, giúp giáo viên quản trị cảm xúc tốt, điều chỉnh cảm xúc và phát triển tính tích cực của bản thân trong công việc hàng ngày nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Việc phân chia bộ tài liệu thành 10 module với 4 chủ đề có cấu trúc chặt chẽ, rõ ràng được đánh giá là có tính thực hành và ứng dụng, dễ sử dụng, phù hợp với cả những đối tượng khác ngoài giáo viên như phụ huynh, cán bộ quản lý. Về mặt nội dung, Hội đồng nhận định bộ tài liệu có nội dung bao quát, đa dạng, nhiều gợi ý thực hành cho các giáo viên, và đề cao vai trò của các giáo viên trong giáo dục mầm non.
Hình ảnh: Các chuyên gia phản biện đưa ra nhận xét
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng thống nhất những nội dung đã thực hiện tốt của bộ tài liệu, đồng thời đưa ra các góp ý có tính xây dựng nhằm giúp bộ tài liệu được hoàn thiện hơn.
Kết luận buổi họp, Chủ tịch Hội đồng – TS.Chu Thị Hồng Nhung cảm ơn các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, một lần nữa đề cao mức độ quan trọng của bộ tài liệu và mong muốn có thể sớm đưa bộ tài liệu vào ứng dụng tại Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng – Trường Đại học Giáo dục và tại các cơ sở giáo dục khác của Việt Nam.
Hình ảnh: Các chuyên gia và đại biểu của Hội đồng nghiệm thu