TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng

Seminar “viết bài báo và đề xuất trong nghiên cứu giáo dục”

Thời gian cập nhật: 13/01/2020
Ngày 08/01/2019, Khoa Các khoa học Giáo dục phối hợp Trung tâm CERA, trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công Seminar “Viết bài báo và đề xuất trong nghiên cứu giáo dục” với hai diễn giả khách mời và gần 40 quý thầy cô, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ sở giáo dục khác nhau.
Trong buổi hội nhập toàn cầu, vấn đề thông tin khoa học quốc tế đã trở nên rất thiết thực và quan trọng đối với những người làm trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, khoảng 90-97% số bài báo đăng trên tạp chí của các trường đại học hiện nay chủ yếu thuộc các tạp chí trong nước. Các nhà khoa học, nghiên cứu, đặc biệt là giảng viên các trường Đại học vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc công bố quốc tế. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, hai diễn giả, khách mời chính của buổi Seminar là TS Trần Bá Linh, đến từ trường Đại học Bath, Vương Quốc Anh và TS. Nguyễn Phương Thảo đến từ trường Đại học Munster, Cộng hòa Liên Bang Đức đã có những chia sẻ về khó khăn trong nghiên cứu khoa học xã hội và kinh nghiệm đăng bài quốc tế.
Nghiên cứu khoa học xã hội vì sao khó công bố quốc tế
Cho đến nay, vẫn còn nhiều quan điểm nhấn mạnh nghiên cứu chỉ đơn thuần là tìm hiểu thực trạng, giải pháp và khuyến nghị của một đề tài mà không tập trung vào nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu. Tuy nhiên, nếu bài viết chỉ đơn thuần nghiên cứu theo hướng ứng dụng sẽ rất khó công bố quốc tế. Chính vì vậy, diễn giả, TS Trần Bá Linh nhấn mạnh, tất cả các bài tạp chí được công bố hiện nay chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản và chỉ có nghiên cứu cơ bản mới nêu được vấn đề để luận giải cho câu hỏi nghiên cứu thông qua việc kiểm định lý thuyết nghiên cứu của ngành và lĩnh vực liên quan.

Diễn giả, TS Trần Bá Linh chia sẻ về nghiên cứu khoa học và cách viết đề xuất nghiên cứu
Theo đó, mục đích của nghiên cứu cơ bản là tạo ra kiến thức mới để lý giải thế giới, thể hiện được mối liên hệ giữa khái niệm và học thuyết. Tuy nhiên, cần tránh sự nhầm lẫn khi cho rằng kiến thức chỉ đơn thuần là dữ liệu và nghiên cứu là báo cáo thực trạng về dữ liệu đó. Thông thường, các bài viết ít được xét duyệt để công bố khi chỉ đơn thuần trình bày thực trạng, bình luận theo góc nhìn chủ quan người viết báo cáo. Chính vì vậy, để bài viết được công bố, ngoài dữ liệu thu thập được, cần xem xét các yếu tố khác để có thể rút ra được khái niệm, học thuyết, tính quy luật hay kiến thức liên quan giúp bài viết thuyết phục hơn.
Công bố quốc tế - những cơ hội cho các nhà khoa học giáo dục
Để có một bài nghiên cứu chất lượng và cơ hội công bố quốc tế cao, TS Nguyễn Phương Thảo nhấn mạnh một cấu trúc bài báo khoa học cần đạt đủ năm phần nội dung chính chính là giới thiệu (introduction), các phương pháp (methods), kết quả (results), thảo luận (discussion) và kết luận (conclusion). Trong phần giới thiệu (introduction) cần trả lời được mục đích nghiên cứu vấn đề gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao và Như thê nào?. Đây được xem là bước đầu tiên để có hướng xuất bản và không thể thiếu trong bài viết nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cũng cần phải thể hiện được phương pháp (method) áp dụng để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu của mình và phải có lý thuyết làm kim chỉ nam cho nghiên cứu. Đặc biệt, phần thảo luận (discussion) được xem là phần quan trọng nhấn mạnh sự đóng góp của nhà nghiên cứu, thể hiện được quan điểm, nhận định tránh mang tính chủ quan. Cuối cùng là phần kết luận (conclusion) trình bày ngắn gọn mà nghiên cứu giải quyết cho câu hỏi nghiên cứu được đặt ra ban đầu.

Diễn giả, TS Nguyễn Phương Thảo chia sẻ về cơ hội công bố quốc tế
Ngoài ra, các nhà khoa học có thể tham khảo đăng trên hệ thống tạp chí đạt ISI (tham khảo danh mục tạp chí uy tín được đăng trên quỹ khoa học nafosted https://bitly.com.vn/Wnmrg). Nhận biết tạp chí có chỉ số ISI-indexed trên website https://mjl.clarivate.com/home. Hiểu hơn về tạp chí trên hệ thống Scopus và nhận biết tạp chí được Scopus-indexed qua https://www.scimagojr.com/. Để bài viết có cơ hội được đăng cao, nhà nghiên cứu cần đọc tạp chí liên quan đến hướng nghiên cứu cá nhân nhằm cập nhật thông tin và quen với xu hướng của tạp chí trước khi gửi bài. Bước đầu có thể làm việc theo nhóm để học hỏi và quen dần với quá trình công bố quốc tế.

Quý thầy cô và các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm cùng hai diễn giả
Buổi Seminar đã đem đến luồng gió mới, cảm hứng nghiên cứu mới cho quý Thầy, cô và các nhà khoa học tham dự. Đặc biệt, buổi seminar còn phát sinh thêm phiên buổi chiều do nhu cầu, đề xuất từ phía Thầy, Cô và các nhà khoa học. Một số ý tưởng thành lập nhóm nghiên cứu bắt đầu từ những nghiên cứu cụ thể với sự trợ giúp và tham gia tích cực của 2 diễn giả đã tạo nên thành công trọn vẹn của buổi Seminar hôm nay. Bởi không chỉ dừng lại ở việc thảo luận một vấn đề khoa học mà còn là cơ hội để kết nối các nhà khoa học lại với nhau thông qua hoạt động của nhóm nghiên cứu.

CÁC TIN BÀI KHÁC

Liên kết các trường
BRITISH UNIVERSITY
RMIT UNIVERSITY
Đơn vị đối tác
Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ
Trường Đại học Ngoại ngữ
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn